Giá thép đang nhảy múa
Khảo sát của Báo Đấu thầu tại một số cửa hàng bán vật liệu xây dựng (mặt hàng sắt thép) trên địa bàn TP. Hà Nội những ngày gần đây đều nhận chung thông tin kể từ sau dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, giá thép xây dựng đang trên đà tăng.
Theo một chủ cửa hàng thép xây dựng trên địa bàn quận Đống Đa, đợt tăng giá này bắt đầu từ tháng 1, tăng mạnh nhất trong tháng 2 và tiếp tục tăng trong tháng 3. “Mấy hôm nay giá thép còn tăng theo ngày”, chủ cửa hàng này cho hay.
Cụ thể, thép phi 6 và phi 8 hiện có giá từ 14.100 - 15.000 đồng/kg; thép phi 10 đến phi 28 (độ dài 11,7 m) có giá từ 14.100 - 14.700 đồng/kg; các loại đinh, kẽm buộc có giá từ 13.500 đồng - 14.500 đồng/kg… Đó là giá bán tại các đại lý, còn giá đến chân công trình sẽ khác. “Tính chung, tại thời điểm này, giá thép đã tăng trung bình 10% so với thời điểm trước Tết”, chủ cửa hàng thép nêu trên nhận xét. Từ phía nhà sản xuất, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát xác nhận, từ đầu năm đến nay, các nhà máy sản xuất thép phía Bắc, trong đó có nhà máy của Hòa Phát, đã tăng giá bán thép hai lần với mức tăng 400 đồng/kg so với trước Tết.
Lý giải nguyên nhân chủ yếu của đợt tăng giá thép lần này, hầu hết các ý kiến cho rằng đó là do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào đang tăng lên. Hơn nữa, hiện đang là mùa xây dựng nên giá thép có phần nhích lên.
Về diễn biến giá thép, các đại lý dự báo, nhiều khả năng giá thép sẽ vẫn tăng trong những tháng tới khi các thông tin cho thấy giá nguyên vật liệu đầu vào chưa có dấu hiệu giảm. Tính đến chiều 5/3/2019, giá quặng sắt trên thế giới vẫn tăng gần 5%, chạm mức cao nhất trong 3 tuần gần đây.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, Phó Giám đốc Ban Kinh doanh thuộc Công ty CP Tập đoàn Cienco4 khẳng định, giá thép tăng nhanh có nguy cơ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Lý do là, trong các công trình xây dựng, thép xây dựng chiếm tỷ lệ từ 10 - 13% giá trị công trình, nhất là công trình cầu.
Nhà thầu lường rủi ro bằng cách nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, giá trị hợp đồng trọn gói không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, còn đơn giá cố định là đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp bất khả kháng. “Khi ký kết những hợp đồng này, nhà thầu phải chấp nhận lời ăn lỗ chịu, kể cả khi giá vật liệu xây dựng có biến động tăng, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng”, Luật sư Lê Nết, Công ty Luật TNHH LNT & Thành viên phân tích. Như vậy, theo ông Nết, rủi ro với nhà thầu khi thực hiện 2 loại hợp đồng nói trên khi giá thép tăng là rất lớn.
Về giải pháp ứng phó với rủi ro trước những biến động tăng giá vật liệu xây dựng, nhiều nhà thầu cho rằng rất khó có một công thức chung. Đại diện Ban Kinh doanh Cienco4 chia sẻ, khi giá vật liệu xây dựng bất ngờ biến động tăng, không có cách nào khác là nhà thầu phải cân đối bằng cách xem xét lại tất cả những phần việc trong hợp đồng có thể tiết kiệm chi phí để tránh thua lỗ.
Mặc dù vậy, Cienco4 cho rằng, có một giải pháp quan trọng có thể giúp được nhà thầu là việc xây dựng các báo giá vật liệu của liên sở xây dựng - tài chính các địa phương phải sát với giá thị trường, bởi đây sẽ là căn cứ để nhà thầu xây dựng đơn giá trong các hồ sơ dự thầu. Theo Cienco4, thời gian qua, hầu như báo giá vật liệu xây dựng của các địa phương không sát giá thị trường, thậm chí luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Vì vậy, Cienco4 khẩn thiết đề nghị các địa phương cập nhật báo giá vật liệu xây dựng sát với giá thị trường.
Đồng tình với đề nghị trên, Công ty CP Xây dựng và Cây xanh Hà Đô bức xúc: “Nếu không khắc phục được điểm yếu này, nhà thầu sẽ không thể tránh được rủi ro khi thị trường biến động tăng giá”.
Một số nhà thầu khác chia sẻ, họ thường hạn chế rủi ro bằng cách thỏa thuận với nhà sản xuất hoặc cung ứng vật liệu xây dựng, khi tăng giá thì phải báo trước cho nhà thầu ít nhất một tháng để họ chủ động xây dựng giá dự thầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, để hạn chế rủi ro khi giá nguyên vật liệu biến động, đối với những gói thầu thực hiện theo hợp đồng trọn gói thì phần giá gói thầu nhà thầu phải tính toán được khả năng tăng giá của vật liệu. Tương tự, với loại hợp đồng theo đơn giá cố định, nhà thầu cũng phải tiên lượng giá vật liệu để bỏ thầu. Tuy nhiên, nếu nhà thầu đã tính rồi nhưng giá vật liệu vẫn tăng đột biến thì lúc đó Nhà nước phải có hướng dẫn để các gói thầu/dự án thực hiện theo loại hợp đồng này giảm thiệt hại. Về phía các nhà thầu, đặc biệt nhà thầu triển khai gói thầu có quy mô lớn, cần có văn bản kiến nghị lên cơ quan chức năng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn này, đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình
(Trích dẫn)